Phụ nữ mang thai phù thũng ăn gì ?

Đăng bởi Thạc sỹ, bác sỹ Tôn Mạnh Cường | 23/01/2021 | 0 bình luận

 

Phụ nữ đang có thai bị phù, trong Đông y gọi là "nhẫm thân thủy thũng". Theo Đông y, phù thũng nói chung có liên quan mật thiết tới tình trạng rối loạn chức năng của các tạng phủ Phế, Tỳ, Thận và Bàng Quang. Riêng trường hợp phù thũng ở phụ nữ mang thai, thì chủ yếu liên quan đến chức năng của tạng Tỳ. Khi chữa trị chủ yếu cần "kiện Tỳ lợi Thấp, ôn Thận hành Thủy", để giải trừ thủy thũng và giúp cho thai nguyên phát triển bình thường.

 

 

Theo quan điểm của "Ẩm thực liệu pháp" trong Đông y (còn gọi là "thực liệu"), thai phụ bị thủy thũng cần tuân theo một số nguyên tắc chủ yếu như sau:

- Phụ nữ mang thai bị phù, thường do chức năng của Tỳ và Thận bị suy yếu. Do đó khi tiến hành "thực liệu", cần chọn dùng loại thức ăn có tác dụng "kiện Tỳ ích Thận" để chữa.

- Không nên ăn quá mặn, chỉ nên sử dụng ít muối ăn; người bị phù nặng cần hạn chế muối, để giảm nhẹ tình trạng tích đọng na-tri.

- Không sử dụng những thức ăn có tính hoạt lợi, có tác dụng thông tiện, trục thủy mạnh, để tránh gây tổn thương thai nguyên.

Khi tiến hành "thực liệu" trên lâm sàng, Đông y thường chia "nhẫm thân thủy thũng" thành một số thể bệnh, để chọn dùng phép chữa, Món ăn - Bài thuốc thích hợp.

1. Thể  Tỳ hư thấp trệ

 - Biểu hiện lâm sàng: Phụ nữ có thai được vài tháng, mặt, mắt và chân tay phù thũng, thậm chí phù toàn thân, sắc da vàng nhạt, mặt da mỏng và bóng, ấn thấy lõm xuống một lúc sau mới trở lại bình thường. Tinh thần mệt mỏi, thở ngắn hơi, ngại nói; ngực bụng trướng đầy; ăn kém, phân lỏng, tiểu tiện sẻn; lưỡi bệu, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng nhớt; mạch hoãn hoạt vô lực.

 

 

- Nguyên tắc trị liệu: Kiện Tỳ thẩm thấp, lợi Thủy tiêu thũng.

- Món ăn - Bài thuốc "Lý ngư thang": Cá chép 500g, bạch truật 15g, bạch thược 10g, đương quy 10g, phục linh 12g, quất bì 6g, sinh khương 6g. Các vị thuốc dùng vải gạc bọc lại, sắc lấy nước, thêm gừng và gia vị, cùng với cá chép đã làm sạch, nấu chín thành món canh (ăn cá uống nước canh).

2. Thể  Khí trệ thấp trở

- Biểu hiện lâm sàng: Phụ nữ có thai được 4-5 tháng, phù 2 chân, dần dần lan lên đùi; sắc da không thay đổi; ấn vào không thấy lõm; có cảm giác người nặng, chân nề, cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị, kém ăn; ngực sườn trướng đau, tiểu tiện không thông lợi; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng nhớt; mạch huyền hoạt.

 

 

 - Nguyên tắc trị liệu: Hành Khí trừ thấp, lợi Thủy an thai.

 - Món ăn - Bài thuốc "Lý ngư la bặc ẩm": Cá chép 1 con (khoảng 500g), củ cải 120g. Cá chép làm sạch vây, bỏ nội tạng; củ cải rửa sạch, thái miếng; thêm nước, mắm muối gia vị, nấu chín; ăn cá và củ cải, uống nước canh.

Trên đây là 2 thể bệnh hay gặp nhất, có thể tự tiến hành "thực liệu" trong điều kiện gia đình. Tuy nhiên, "nhẫm thân thủy thũng" còn nhiều thể rất phức tạp, người bệnh cần đến phòng chẩn trị Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc chẩn bệnh, hướng dẫn cụ thể.

 

 

 

Bình luận của bạn

https://www.vietyduong.net/
0911.806.806