BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Tags

Cơ chế thần kinh trong châm cứu

Đăng bởi Thạc sỹ, bác sỹ Tôn Mạnh Cường | 28/08/2022 | 0 bình luận

 

1.Châm là một kích thích gây ra một cung phản xạ mới.

Châm là kích thích cơ học, cứu là một kích thích nhiệt gây nên kích thích tại da, cơ. Tại nơi châm có những biến đổi: tổ chức tại nơi châm bị tổn thương sẽ tiết ra histamin, acetylcholin, catecholamin, nhiệt độ ở da thay đổi, bạch cầu tập trung gây phù nề tại chỗ, các phản xạ đột trục làm co giãn mạch máu. Tất cả những kích thích trên tạo thành một kích thích được truyền vào tuỷ lên não, từ não xung động được đến các cơ quan đáp ứng hình thành một cung phản xạ mới.

 

 

2Hiện tượng chiếm ưu thế của Utomski

Theo nguyên lý của hiện tượng chiếm ưu thế của utomski thì trong cùng một thời gian ở một nơi nào đó của hệ thần kinh trung ương (sọ não), nếu có luồng xung động của 2 kích thích khác nhau đưa tới, kích thích nào có cường độ mạnh hơn và liên tục hơn, có tác dụng kéo các xung động của kích thích kia tới nó và kìm hãm, tiến tới dập tắt kích thích kia.

Trên thực tế lâm sàng, người ta thấy hiệu quả nhanh chóng của châm cứu (đặc biệt là dùng điện châm trong việc làm giảm cơn đau của một số bệnh cấp tính như cơn đau dạ dày, giun chui ống mật, đau các dây thần kinh ngoại biên, gẫy xương, viêm khớp cấp, đau răng..) và tác dụng làm hết cảm giác lạnh, sợ lạnh của phương pháp cứu trong điều trị cấp cứu các trường hợp trụy mạch, huyết áp. Tác dụng của châm cứu có thể làm thay đổi hoặc đi tới làm mất phản xạ đau ở người bệnh. Khi châm cứu, để đảm bảo kết quả điều trị thì kích thích tác động lên huyệt phải đạt đến ngưỡng (seuil d’excitation) mà y học cổ truyền gọi là đắc khí và phải tăng hoặc giảm cường độ kích thích khi cần thiết để nâng cao thêm hiệu quả chữa bệnh mà y học cổ truyền gọi là thủ thuật bổ tả.

3.Sự phân chia tiết đoạn thần kinh và sự liên quan giữa các tạng phủ đối với các vùng cơ thể do tiết đoạn chi phối

Thần kinh tuỷ sống có 31 đôi dây, mỗi đôi dây chia ra làm 2 ngành trước và sau, chi phối vận động, cảm giác một vùng cơ thể gọi là một tiết đoạn. Sự cấu tạo thần kinh này gọi là sự cấu tạo tiết đoạn.

Ví dụ : Vùng da ở các tiết đoạn ngực D5, D6, D9 và tiết đoạn cổ C2, C3, C4 tương ứng với dạ dày.

Khi nội tạng có bệnh người ta thấy có hiện tượng tăng cường cảm giác vùng da cùng tiết đoạn với nó như cảm giác đau, thay đổi điện sinh vật… hiện tượng này xảy ra do những sợi thần kinh giao cảm bị kích thích xung động dẫn truyền vào tuỷ lan toả vào các tế bào cảm giác sừng sau tuỷ sống gây ra những thay đổi về cảm giác ở vùng da. Mặt khác những kích thích giao cảm làm co mạch, sự cung cấp máu ở vùng da ít đi làm làm điện trở da giảm xuống gây ra những thay đổi về điện sinh vật.

 

 

Trên cơ sở này Zakharin và Head đã thiết lập được một giản đồ về sự liên quan giữa vùng da và nội tạng và đây cũng là nguyên lý chế tạo các máy đo điện trở vùng da và máy dò kinh lạc.

Vậy nội tạng có tổn thương dùng châm cứu hay các phương pháp vật lý trị liệu khác tác động vào các vùng da trên cùng một tiết đoạn với nội tạng sẽ chữa được các bệnh ở nội tạng.

4. Nguyên lý về cơ năng sinh lý linh hoạt của hệ thần kinh Widekski

Trong nguyên lý này, trong trường hợp thần kinh ở trạng thái yên tĩnh một kích thích nhẹ thường hay gây ra một phản ứng hưng phấn nhẹ, nhưng nếu thần kinh ở trạng thái bị kích thích hưng phấn do bệnh thì một kích thích mạnh chẳng những không gây ra phản ứng hưng phấn mạnh mà trái lại nó làm cho hoạt động thần kinh chuyển sang quá trình ức chế nên bớt đau.

5. Lý thuyết về đau của Melzak và Wall (cửa kiểm soát 1995)

Cơ sở của thuyết này là dựa trên tương quan tốc độ lan truyền xung động xuất hiện khi châm kim vào các điểm có hoạt tính cao và gây hoạt hoá các cơ quan thụ cảm của da và tổ chức trên đường kim châm. Xung động lan truyền theo các sợi thần kinh lớn có myelin (sợi A) có tốc độ lan truyền lớn, gây hoạt hoá các tổ chức gelatin ở tủy sống, làm cho xung đau truyền theo dây C (mảnh không có myelin) bị ức chế. Kết quả của ức chế này là làm mất cảm giác đau.

Trên cơ sở lý thuyết cửa kiểm soát của R. Melzak và p. Wall năm 1971, Shealy chế tạo được một máy luôn kích thích cột sau tuỷ sống để làm giảm đau trong các bệnh ung thư.

Thực chất, bất kỳ một kích thích nào đối với cơ thể cũng đều có liên quan tới hoạt động của vỏ não, nghĩa là có tính chất toàn thân. Vậy sự phân chia ra phản ứng cục bộ tại chỗ, phản ứng tiết đoạn về sự liên quan cục bộ từng phần cơ thể thông qua hoạt động của tuỷ.

Khi nói tới phản ứng toàn thân, chúng ta cần nhắc tới nguyên lý về hiện tượng chiếm ưu thế vỏ não của Utomski, về cơ năng linh hoạt của hệ thần kinh của Wedansky, về các kích tố (hormon) và các chất trung gian hoá học thần kinh (acetylcholin,morphin).

Điểm quan trọng của phản ứng toàn thân là tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương và thông qua hệ này là hệ thần kinh thực; vật mà ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và mọi tổ chức của cơ thể.

Sau khi châm, từng luồng xung động thần kinh không ngừng được dẫn truyền vào tuỷ sống (dẩn truyền xung động thần kinh là đo các chất acetylcholin…) từ đó dẫn truyền qua bó tuỷ lên hành não vỏ não.

Vơgralic, Kassin và nhiều tác giả nghiên cứu được não đồ trong khi châm thì thấy điện thế có những biến đổi lan toả toàn diện và đối xứng toàn thân, thường thấy sóng delta chậm hơn, có nhiều sóng không đều nhịp.

Tình trạng tinh thần luôn luôn căng thẳng gây ra các rối loạn tinh thần làm cho quá trình hưng phấn và ức chế của hoạt động thần kinh cao cấp bị rối loạn. Châm cứu có tác dụng điều chỉnh các trạng thái rối loạn đó, vì sau một đợt điều trị triệu chứng lâm sàng tốt hơn và điện não đồ biến đổi.

Cơ chế tác dụng của châm cứu giải thích theo học thuyết thần kinh thể dịch giúp cho quá trình học tập, sử dụng châm cứu dễ dàng có thể vận dụng để giải thích hầu hết các trường hợp bệnh lý cơ nâng được chỉ định điều trị bằng phương pháp châm cứu.

 

Về mặt học tập chia các huyệt theo từng vùng tiết đoạn cơ thể, số lượng sử dụng trong điều trị khoảng 80-100 huyệt thông thường mà không cần thiết phải nhớ tất cả (365 huyệt) để điều trị các chứng bệnh thường gặp, giúp các thầy thuốc đa khoa cơ sở cơ bản để kết hợp tốt hai nền y học YHDT-YHHĐ trong điều trị bệnh.

Về tác dụng và vận dụng các huyệt: trước hết cần nắm được vị trí tương ứng của các huyệt trên vùng cơ thể để biết tác dụng tại chỗ của nó. Sau đó mỗi vùng của mỗi cơ thể cần nắm một số công thức để chữa bệnh nội tạng và các cơ quan từng vùng cơ thể. Huyệt ở vùng ngực, lưng : chữa các bệnh về tuần hoàn, hô hấp, viêm tuyến vú, tắc tia sữa, đau dây thần kinh liên sườn…; huyệt vùng thượng vị, thắt lưng : chữa bệnh về bộ máy tiêu hoá, viêm loét dạ dày, bệnh gan mật; huyệt vùng hạ vị, thắt lưng cùng : chữa bệnh tiết niệu, đường sinh dục.

Về toàn thân cần nắm một số huyệt có tác dụng điều trị đặc hiệu, có tác dụng toàn thân để phối hợp với các huyệt điều trị từng vùng.

Cơ chế châm cứu theo học thuyết thần kinh – thể dịch chưa giải thích được những điều đã nêu trong các sách châm cứu cổ điển như hệ kinh lạc, phương pháp bổ tả… không giải thích được các quy luật vận dụng các huyệt toàn thân và nhất là bệnh lý của các tạng phủ, các quy luật lấy huyệt theo thời gian.

Bình luận của bạn

https://www.vietyduong.net/
0911.806.806